ĂN THỰC VẬT CÓ THỂ GIẢM SỰ PHÁT TRIỂN CỦA UNG THƯ TUYẾN TIỀN LIỆT

ĂN THỰC VẬT CÓ THỂ GIẢM SỰ PHÁT TRIỂN CỦA UNG THƯ TUYẾN TIỀN LIỆT

Nghiên cứu mới cho thấy chế độ ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật như trái cây và rau tươi làm giảm sự phát triển của ung thư tuyến tiền liệt và khả năng tái phát của bệnh.

 

Theo Washington Post, kết quả của nghiên cứu này sẽ được trình bày tại Hội nghị chuyên đề về Ung thư Sinh dục – Tiết niệu của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Mỹ 2023 (ASCO).

Vivian Liu, điều phối viên nghiên cứu lâm sàng của Trung tâm Sức khỏe Tích hợp Osher, Đại học California, tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ ăn trái cây và rau quả mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type II và bệnh tim mạch, đồng thời góp phần kéo dài tuổi thọ.

“Bây giờ, chúng tôi có bằng chứng cho thấy chế độ ăn này có thể ảnh hưởng đến căn bệnh ung thư rất phổ biến và thậm chí gây tử vong ở nam giới”, bà nói.

Tại Mỹ, ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư phổ biến thứ hai ở nam giới, sau ung thư da, với ước tính khoảng 288.300 ca mắc mới và 34.700 ca tử vong trong năm 2023.

Ăn càng nhiều thực vật, nguy cơ phát triển ung thư càng thấp

Trước đây, giới khoa học tiến hàn nhiều nghiên cứu về mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và nguy cơ ung thư. Ăn các loại thực phẩm ít chất béo và hạn chế thịt đỏ có thể giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, chủ yếu là ung thư vú và ruột kết.

Đối với ung thư tuyến tiền liệt, ăn thực phẩm giàu chất chống oxy hóa lycopene như cà chua dường như cũng có tác dụng tương tự.

Nghiên cứu tập trung vào những người đàn ông đã bị ung thư tuyến tiền liệt và có nguy cơ ung thư phát triển hoặc tái phát sau khi điều trị. Nó bắt đầu vào năm 2004 với sự tham gia của 2.038 người đàn ông mắc bệnh này giai đoạn đầu. Ở thời điểm đó, bệnh chưa tiến triển nặng.

Người tham gia hoàn thành bảng câu hỏi về mức độ thường xuyên tiêu thụ khoảng 140 loại thực phẩm và đồ uống, bao gồm vài loại như bông cải xanh, thịt đỏ và khoai tây. Họ cũng cố gắng đánh giá cả thực phẩm tốt và xấu.

Bà Liu nói: “Chúng tôi không nói cho người tham gia biết họ nên ăn gì vì đây là nghiên cứu quan sát. Họ ăn những gì họ muốn và nói cho chúng tôi biết đó là món gì”.

 

Kết quả phát hiện người tham gia với chế độ ăn chứa lượng thực vật cao nhất có nguy cơ tiến triển bệnh thấp hơn 52% và nguy cơ tái phát thấp hơn 53% so với người có chế độ ít thực vật nhất.

Theo bà Liu, 204 trong hơn 2.000 người tham gia có bệnh diễn tiến năng hơn trong suốt thời gian nghiên cứu. Người tham gia báo cáo số lượng thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật đã ăn, nhưng không thể nêu chính xác số lượng dưới dạng khẩu phần riêng lẻ hoặc theo khuyến nghị.

Theo Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ giai đoạn 2020-2025, người trưởng thành nên tiêu thụ 1,5-2 cốc trái cây và 2-3 cốc rau mỗi ngày.

Gợi ý cho các nghiên cứu trong tương lai

Donald Hensrud, phó giáo sư về y tế dự phòng và dinh dưỡng tại Mayo Clinic, cho biết những phát hiện này phù hợp với nghiên cứu trước đây và bổ sung lợi ích sức khỏe cũng như một số rủi ro của chế độ ăn uống dựa trên thực vật.

Các nhà khoa học khác cho hay kết quả nghiên cứu này rất quan trọng nhưng các nghiên cứu trong tương lai cần phân tích cụ thể hơn về di truyền và chuyển hóa để hiểu rõ tác động của thực phẩm đối với bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

“Nhiều nghiên cứu như vậy với số lượng bệnh nhân ung thư lớn hơn, nội dung chi tiết hơn về chế độ ăn uống, đo lường mức độ chất dinh dưỡng trong máu và mô, sẽ rất hữu ích trong việc thiết kế chế độ ăn giảm nguy cơ ung thư và thậm chí là điều trị ung thư”, Jeffrey Jones, giáo sư tiết niệu tại Đại học Y Baylor, chia sẻ.

Theo Nicholas Mitsiades, giáo sư y khoa, Giám đốc dịch thuật tại Đại học California, các nghiên cứu trong tương lai cũng cần xem xét ở mức độ phân tử và di truyền học của con người cũng như các đột biến dẫn đến ung thư. Họ cần biết quá trình trao đổi chất của bệnh nhân diễn ra như thế nào vì những người khác nhau có thể tiêu hóa thức ăn theo cách khác nhau”,

Ông Mitsiades cũng chỉ ra tình trạng kinh tế xã hội có thể khiến nhiều người khó có chế độ ăn uống lành mạnh, vì trái cây và rau quả tươi thường đắt đỏ hoặc khó tiếp cận. Tuy nhiên, ông luôn khuyên các bệnh nhân ung thư của mình tránh chất béo bão hòa từ động vật, đặc biệt là thịt đỏ và tăng cường ăn thực vật.

Ngoài ra, bà Liu gợi ý rằng đàn ông dù mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt hay không cũng nên ăn nhiều thực vật và ưu tiên thực phẩm tươi, tránh các loại thịt thay thế từ thực vật thường chứa nhiều chất béo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.