GIỮA TUẦN KỂ CHUYỆN BÁNH TRUNG THU XƯA VÀ NAY

GIỮA TUẦN KỂ CHUYỆN BÁNH TRUNG THU XƯA VÀ NAY

Tết Trung thu – hay còn gọi là Tết trông trăng, Tết Thiếu nhi – là cái tết lớn thứ tư trong năm (sau Tết Nguyên Đán, Tết Hàn thực, và Tết Đoan Ngọ), là nét văn hóa cổ truyền đáng được gìn giữ. Cũng như Tết Nguyên Đán không thể thiếu bánh chưng – bánh giầy, nhắc Tết Trung thu tức là nhắc đến bánh nướng – bánh dẻo. Mỗi gia đình dù giàu nghèo, cứ đến Trung thu đều cố gắng lo đủ cặp bánh cúng tổ tiên và trời đất.

 

BÁNH TRUNG THU TỪ ĐÂU MÀ CÓ?

Có nhiều câu chuyện khác nhau về nguồn gốc bánh Trung thu. Một trong số đó là ý kiến cho rằng bánh Trung thu bắt đầu xuất hiện từ thời Đường. Các nhà thơ nổi tiếng thời đại này như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Trương Cửu Linh thường lấy cảm hứng sáng tác từ trăng, với những bài thơ vịnh nguyệt (thơ tả ánh trăng) nổi tiếng. Trăng trở thành biểu tượng của vẻ đẹp, của sự lãng mạn trong thi ca Trung Quốc. Không chỉ triều đình mà dân gian đều có tục cúng trăng với trái cây và bánh ngọt.

Một truyền thuyết khác lại cho rằng bánh Trung thu có nguồn gốc từ cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình nhà Nguyên của nhân dân Trung Quốc vào giữa thế kỷ 14. Chu Nguyên Chương – một trong những thủ lĩnh của phong trào – đã cho làm những chiếc bánh hình tròn, bên trong mỗi chiếc bánh đều có một tờ giấy định ước thời gian khởi nghĩa là vào ngày 15 tháng 8 (rằm tháng Tám Âm lịch). “Truyền đơn bánh ngọt” trở thành một phương tiện liên lạc an toàn và hiệu quả của mọi người, tin tức về cuộc khởi nghĩa theo đó truyền đi khắp nơi. Nổi dậy thành công, Chu Nguyên Chương lập ra nhà Minh, trở thành Minh Thái Tổ.

“Thu xưa dưới ánh trăng vàng
Tưng bừng trống ếch, rộn ràng tiếng ca
Không cờ, không tiệc, không hoa
Dăm ba chiếc bánh làm quà: Trung thu”

Ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt. Đầu cỗ là bánh mặt trăng, và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu các sắc sặc sỡ xanh, đỏ, trắng, vàng. Con gái hàng phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa nọ hoa kia, nặn bột làm con tôm con cá coi cũng đẹp. (Nói về “Tết Trung thu” – sách Việt Nam Phong tục – Phan Kế Bính)

Bánh Trung thu ngày xưa chỉ đơn giản là mấy chiếc bánh nướng, bánh dẻo nhân ngọt hoặc thập cẩm, được gói trong miếng giấy kính màu, chờ đến Trung thu xẻ ra chia cả nhà cùng thưởng thức.

BÁNH NƯỚNG

Bánh Trung thu ngày xưa chỉ đơn giản là mấy chiếc bánh nướng, bánh dẻo nhân ngọt hoặc thập cẩm, được gói trong miếng giấy kính màu, chờ đến Trung thu xẻ ra chia cả nhà cùng thưởng thức.

Nhân bên trong có thể là nhân ngọt (được làm từ đậu xanh, khoai môn, hạt sen,… sên nhuyễn) hoặc nhân thập cẩm, bao lấy lòng đỏ trứng muối ở giữa

Nhiều người không thích bánh nướng thập cẩm vì “ăn vào chẳng phân biệt được thứ gì”. Thế nhưng chính những hạt dưa, mứt bí, lạp xưởng, lá chanh được kết hợp vô cùng khéo léo và hài hòa đó mới là cái tạo nên hương vị đặc trưng của bánh nướng. Hơn nữa, bánh nướng thập cẩm còn là lời nhắn gửi vô cùng ý nhị của người xưa, rằng cuộc sống không phải chỉ tuyền một vị, mà có một ít cái này, một chút cái kia, cũng như chiếc bánh nướng trong ngọt có mặn, trong béo có bùi.

BÁNH DẺO

Bánh dẻo tượng trưng cho mặt trăng. Vỏ bánh được làm từ bột nếp nhồi nước đường, đượm chút mùi thơm dịu dàng của hương hoa bưởi. Nhân bánh dẻo thường là các loại nhân ngọt.

.

Vỏ bánh dẻo ngoài màu trắng truyền thống thì còn được khoác thêm nhiều chiếc áo màu sắc hơn, nhưng sắc màu nào cũng dìu dịu, nhẹ nhàng trong trẻo, cùng với hình dáng tròn trịa, vị ngọt thanh không gắt, bánh dẻo mang biểu tượng của sự đoàn viên, đồng thời thể hiện tình cảm ngọt ngào của các thành viên trong gia đình với nhau.

“Bây giờ kẹo bánh thì dư
Niềm vui con trẻ hình như hao mòn”

Ngày trước, bánh Trung thu không màu sắc sặc sỡ, không gói bọc cầu kỳ. Mỗi chiếc bánh làm ra không quá to, chỉ vừa đủ “ăn lấy miếng”. Các thương hiệu chuyên bán bánh cũng hiếm vì hầu như mỗi nhà đến dịp Tết Trung thu đều tự tay nhồi bột, nướng bánh.

Trẻ con ngày trước mong đợi đến Trung thu để được rước đèn, phá cỗ, được chia miếng bánh ngọt ngào, được ngước mắt trông trăng tìm chú Cuội ngồi gốc cây đa.

KẾT

Từ những chiếc bánh nướng, bánh dẻo đơn giản ngày nào, đến hôm nay bánh Trung thu Việt Nam đã trải qua một quãng đường dài với nhiều thay đổi, thổi vào đời sống ẩm thực người Việt một luồng gió mới phong phú và đa dạng hơn. Có người sẽ quyết tâm “mãi một tình yêu” với bánh truyền thống, có người lại đợi thử những mùi bánh mới mỗi năm. Nhưng dù thế nào đi nữa, những chiếc bánh mặt trăng tròn vành vạnh vẫn sẽ là một phần không thể thiếu của Tết Trung thu. 

(*) bài có sử dụng ý thơ của tác giả Mai Danh Hiểu

Xem thêm Workshop Làm bánh dẻo tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.