MÓN ĂN GIẢI NGẤY MÙA TẾT

MÓN ĂN GIẢI NGẤY MÙA  TẾT

Riêu cua đồng, ốc là hai món ăn vừa giàu dinh dưỡng lại giải ngấy ngày Tết, bởi vị thanh thanh, chua chua, giảm cảm giác ngán từ các món dầu mỡ.

Ngày Tết, nhiều người sẽ không thể tránh khỏi cảm giác “ngấy” do ngập chìm trong đồ ăn nên tìm đến món ăn nào đó thanh thanh, dịu dịu, hạn chế tối đa dầu mỡ. Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ, giới thiệu dinh dưỡng một số món ăn ngày Tết giải ngấy, như sau:

Riêu cua đồng

Riêu cua đồng với nguyên liệu chính là cua đồng và cà chua, trong đó cà chua là thực phẩm chứa vitamin, chất khoáng và nhiều chất có hoạt tính sinh học nhất, là thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Cà chua chứa nhiều vitamin C, vitamin K, một lượng đáng kể các chất khoáng cần thiết như kali, mangan, magie, đồng, sắt, kẽm và chất xơ hòa tan.

Trong Đông y, quả vị chua, ngọt, nhạt, tính mát, tác dụng bổ huyết, giúp tiêu hóa, điều hòa bài tiết, chủ trị suy nhược cơ thể, ăn không ngon miệng, nhiễm độc mạn tính. Vì vậy, cà chua khiến cho món ăn có thêm hương vị, thêm ngon miệng mà lại bổ dưỡng. Nếu ngày Tết bạn thấy ngấy với mùi dầu mỡ của các loại thịt cá thì một bát canh cà chua, hoặc bát bún riêu cua đồng với cà chua… sẽ khiến ngon miệng hơn.

Cua đồng cũng là thực phẩm giàu vitamin và muối khoáng, đặc biệt là canxi trong cua đồng rất cao. Trong 100 g cua có tới 5,040 mg canxi, 430 mg photpho, 4,7 mg sắt, các loại vitamin B1, B2, PP. Cua đồng còn là một vị thuốc được nhân dân ta dùng từ lâu đời với tên điền giải.

Theo Đông y, điền giải vị mặn, mùi tanh, tính lạnh, có tác dụng tán huyết, bổ gân cốt, khớp xương. Sách Lĩnh Nam bản thảo của Hải Thượng Lãn ông ghi: “Điền giải ngọt lạnh, ít độc, hay sinh phong, có tác dụng nối gân, tiết xương, chữa phong nhiệt, trừ mụn độc”.

Vì vậy, món riêu cua đồng có cà chua không chỉ bổ dưỡng mà còn là món ăn thanh nhiệt, mang lại cảm giác ngon miệng, thích hợp trong những ngày Tết.

Ốc

Ốc kết hợp với các loại rau gia vị như tía tô, gừng, lá lốt, hành hoa thành món ăn bài thuốc hiệu quả, còn bún ốc, ốc nấu chuối đậu giúp chống ngấy.

Ốc ruộng thuộc loại nhuyễn thể, còn gọi là ốc đồng, gồm nhiều loại như ốc nhồi, ốc vặn, ốc bươu… đều giàu dinh dưỡng. Theo y học cổ truyền, ốc ruộng có vị cam, tính hàn, tác dụng lợi thủy, sáng mắt, giải độc và trị các chứng lâm trọc (đi tiểu nước đục), mắt đỏ.

Khi chế biến món ăn có ốc, cần đặc biệt chú ý đến rau gia vị phối hợp nhằm tạo thành món ăn bài thuốc hiệu dụng nhất. Rau gia vị gồm chủ yếu là lá lốt, tía tô, hành hoa và gừng tươi.

Lá lốt vị cay thơm, tính ấm, tác dụng làm tan hơi lạnh, ôn hóa hàn thấp (chất lạnh nhớt của ốc), giúp tiêu hóa. Tía tô vị cay, tính ấm, có tác dụng hạ khí, tiêu đờm trệ (chất nhớt của ốc), trừ tanh hôi, giải độc, dị ứng ốc cua cá (vô tình gặp phải ốc bị nhiễm độc chết). Hành hoa vị cay ngọt, tính ấm, làm tan khí lạnh, thông khí trệ, lợi thấp, giải cảm, sát trùng, thường dùng hành tươi cả củ lá, liều lượng không hạn chế. Hành là gia vị tuyệt hảo trong việc nấu nướng, không có hành món ăn sẽ mất ngon. Gừng tươi vị cay, tính ấm, tác dụng chống lạnh, tiêu đờm, chặn nôn, giúp tiêu hóa.

Các loại rau gia vị này cũng là các vị thuốc trong y học cổ truyền, nêu trên trong món ăn có ốc sẽ loại bỏ ngay từ đầu mùi tanh hôi, tính lạnh nhớt của ốc, giải độc và dị ứng (nếu có) làm cho món ăn tuyệt đối an toàn và bổ dưỡng.

Từ ốc đồng, người ta có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như luộc, hấp lá gừng, rán, xào hành, hầm đậu phụ, xào gừng, xào tái, xào tương, tần rau húng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.