Ý NGHĨA PHONG TỤC GÓI BÁNH CHƯNG NGÀY TẾT ĐỐI VỚI NGƯỜI VIỆT NAM

Ý NGHĨA PHONG TỤC GÓI BÁNH CHƯNG NGÀY TẾT ĐỐI VỚI NGƯỜI VIỆT NAM

Phong tục gói bánh chưng ngày Tết là truyền thống quý giá vẫn còn được người Việt ưu giữ đến tận bây giờ. Bánh chưng đã trở thành món ăn “quốc hồn quốc túy” trong dịp Tết đối với mọi gia đình. Hãy cùng tìm hiểu nguồn gốc cũng như ý nghĩa gói bánh chưng ngày Tết qua bài viết sau nhé.

 

Nguồn gốc của phong tục gói bánh chưng, bánh giầy

Phong tục gói bánh chưng, bánh dày đã bắt đầu từ đời Hùng Vương thứ 6. Theo truyền thuyết “Bánh chưng, bánh dày”, vua Hùng đã triệu tất cả các người con vào ngày giỗ tổ. Nhà vua truyền rằng vị quan Lang (con của vua) nào tìm được món lễ vật dâng cho tổ tiên hợp ý của vua thì sẽ được truyền lại ngôi báu.

Các vị hoàng tử tìm kiếm sơn hào hải vị, vàng ngọc châu báu, sản vật quý hiếm… để dâng lên vua cha. Trong khi đó, Lang Liêu – vị quan Lang đứng thứ 18 – vốn có người mẹ bị ghẻ lạnh, không có người giúp đỡ nên khó lòng tìm được những món đồ quý giá.

Một đêm nọ, Lang Liêu nằm mộng thấy có một vị tiên đến và nói rằng: Trời đất này không có gì quý giá hơn gạo. Hãy đem gạo nếp làm thành bánh hình vuông, hình tròn tượng trưng cho đất trời. Bên trong sử dụng các loại mỹ vị, bên ngoài dùng lá bọc lại ngụ ý chỉ công đức lớn lao của cha mẹ.

Lang Liêu đã nghe theo lời thần dặn mà sử dụng gạo nếp, đậu xanh, thịt heo và lá long để làm nên bánh chưng, bánh giầy tượng trưng cho trời và đất. Sau khi dâng lễ vật này cho vua Hùng, ông rất vừa ý và quyết định truyền lại ngôi cho Lang Liêu. Từ đó, bánh chưng và bánh giầy trở thành lễ vật quý giá trong nghi thức thờ cúng tổ tiên cũng như trong ngày Tết của dân tộc Việt Nam.

Ý nghĩa của chiếc bánh chưng ngày Tết

Bánh chưng hình vuông tượng trưng cho mặt đất, còn bánh giầy hình tròn tượng trưng cho mặt trời, bầu trời. Đất nước Việt Nam vốn phát triển từ nền văn minh lúa nước, nên rất coi trọng và thờ cúng trời đất.

Vì vậy, người Việt thường dâng bánh chưng trong các lễ cúng ngày Tết để bày tỏ lòng thành, sự biết ơn đến đất trời vì một năm mưa thuận gió hòa vừa qua. Ngoài ra, bánh chưng còn thể hiện được tinh thần uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ ông bà, tổ tiên của dân tộc Việt Nam.

Vào những ngày cuối năm, nhà nhà thường sẽ quây quần bên nhau và cùng gói chuẩn bị nguyên liệu để gói bánh. Người lau lá, người vo đậu, người ngâm nếp là khung cảnh ấm áp và quen thuộc trong trí nhớ của mỗi người.

Sau khi đã chuẩn bị xong thì cả nhà sẽ cùng gói bánh. Ông bà, cha mẹ hướng dẫn cho mấy đứa trẻ con trong nhà cách tạo ra những chiếc bánh chưng vuông vức và thơm ngon.

Mọi người sẽ cùng nhau ngồi quây quần bên nồi bánh chưng, trò chuyện về một năm cũ đã qua. Đây chính là điều khiến cho phong tục gói bánh chưng ngày Tết trở nên ý nghĩa hơn hết thảy, khi mà nhiều thế hệ trong một gia đình sum vầy trong không khí rạo rực của ngày Tết.

Bánh chưng không chỉ đơn giản là món bánh để thờ cúng đất trời, mà còn tượng trưng cho niềm vui sum họp, niềm hân hoan khi ngày Tết đến. Phong tục gói bánh chưng ngày Tết cũng trở thành truyền thống tốt đẹp được lưu giữ trong tim của mỗi con người Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.